Đảng, Nhà nước thúc đẩy nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030.

Gần đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng vốn đầu tư vào khởi nghiệp Việt Nam năm 2019 lên đến hơn 800 triệu USD. Nếu như năm 2019 chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì sang năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, các doanh nghiệp startup Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tổng vốn đầu tư cho khởi nghiệp tại Việt Nam trong năm 2020 ước đạt 310 triệu USD, chưa bằng một phần hai so năm 2019.

Ảnh minh họa.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra không chỉ với doanh nghiệp thành lập mới mà cả doanh nghiệp đang tồn tại. Bởi vậy, có thể xem dịch Covid-19 là thử thách để doanh nghiệp đổi mới mô hình phát triển, vận động, thích ứng và chuyển đổi để bứt phá. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước thúc đẩy nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030… Kết quả là, trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện của doanh nghiệp startup kỳ lân thứ hai là Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam VNPAY, được định giá hơn 1 tỷ USD và khoảng 10 doanh nghiệp có quy mô 100 triệu USD…

Ở Việt Nam đang hình thành và phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp. Dù số lượng và chất lượng khởi nghiệp sáng tạo đã có bước tiến đáng ghi nhận nhưng so các nước trong khu vực, Việt Nam chưa phát huy hết tiềm năng. Nhiều ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp mang tính phong trào, chạy theo số lượng mà chưa chú trọng chất lượng, thiếu sự gắn kết giữa ý tưởng với doanh nghiệp . Nhiều doanh nghiệp startup vẫn gặp khó khăn về vốn, kinh nghiệm quản trị, điều hành…

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020, một hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2020, đại diện nhiều doanh nghiệp startup nêu ra vướng mắc liên quan hệ thống pháp lý, cơ chế, chính sách. Đơn cử, Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo có nội dung như: quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân; đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư… là chưa phù hợp. Hay hiện tượng nhiều doanh nghiệp startup chọn mở công ty ở nước ngoài để dễ gọi vốn cho thấy môi trường đầu tư trong nước chưa đủ thu hút…

Giới chuyên gia nhận định, cho đến nay, quy định pháp luật và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp chưa đồng bộ, tính khả thi còn hạn chế. Các quy định chưa cụ thể, chủ yếu gắn với hỗ trợ mặt bằng sản xuất, cung ứng dịch vụ công, đào tạo… Đối tượng hướng đến còn rộng, chưa có nhiều văn bản pháp lý, cơ chế, chính sách dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các đề án đặt ra, trong đó có đề án được đánh giá tạo dựng nền tảng và chính sách hỗ trợ như đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” thực hiện theo Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng chưa có sự ràng buộc trách nhiệm…

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ để phát triển. Để có thể đạt thành công, các doanh nghiệp khởi nghiệp dĩ nhiên cần chủ động trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Nhưng cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan phải coi việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là ưu tiên, đặc biệt khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Theo Vietnamnet